Lợi ích từ việc dùng gậy hỗ trợ chụp ảnh
Gậy hỗ trợ tự chụp ảnh, hay còn được gọi bằng nhiều tên khác như: gậy chụp ảnh tự sướng, gậy tự sướng, gậy tự chụp hình (tên quốc tế: monopod, selfie stick), là một dụng cụ hỗ trợ tự chụp hình thông qua kết nối với điện thoại di động, bằng cách đặt một điện thoại thông minh hoặc máy ảnh vượt ra ngoài phạm vi bình thường của cánh tay.
Ngay cả Tổng thống Mỹ, Barack Obama cũng thích thú khi dùng gậy hỗ trợ chụp ảnh
Mục đích của gậy giúp một cá nhân hoặc nhóm nhỏ vài người có thể tự chụp ảnh với góc chụp ảnh rộng hơn mà không cần phải nhờ đến sự hỗ trợ của người khác. Tiến sĩ Mariann Hardey, một giảng viên tại Đại học Durham cho biết: "Ảnh tự chụp đang cách mạng hóa cách chúng tôi thu thập thông tin tự thuật về bản thân và bạn bè".
Với một thiết bị mang tính "cách mạng" như thế, vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn lại bị cấm sử dụng ở rất nhiều nơi trên thế giới, khiến đại đa số người dùng khá bức xúc. Vậy thì lý do nào mà giới chức trách lại đưa ra quyết định hơi bị khó hiểu này? Nó đơn giản chỉ là một công cụ bình thường giúp người dùng chụp ảnh thuận tiện hơn thôi mà!?
Giới chức trách nói gì?
Có lẽ Hàn Quốc là nước nghiêm khắc nhất trong vụ việc trên, khi năm ngoái, cơ quan quản lý phát thanh của Hàn Quốc đã ban hành hướng dẫn về việc bán gậy hỗ trợ tự chụp ảnh sử dụng công nghệ bluetooth để kích hoạt máy ảnh. Bất kỳ thiết bị nào như vậy được bán tại Hàn Quốc được coi là một "thiết bị viễn thông" và phải được kiểm tra bằng cách đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp, những người kinh doanh gậy tự sướng nếu chưa được kiểm duyệt về chất lượng mà bị phát hiện có thể bị phạt khoảng 27.000 USD (gần 587 triệu đồng) hoặc nặng hơn nữa là sẽ bị ngồi tù.
Giới chức trách cho rằng, tính năng bluetooth của gậy hỗ trợ chụp ảnh tự sướng có thể làm nhiễu sóng thông tin liên lạc. Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy lý do được đưa ra không có cơ sở, vì bluetooth thường phát tín hiệu yếu và khoảng cách ngắn.
Còn tại thủ đô Paris của Pháp, theo tờ The Telegraph, các nhà điều hành lo ngại khách tham quan sử dụng gậy tự sướng có thể vô tình va trúng người khác, làm hư hại hiện vật hay tác phẩm nghệ thuật hoặc thậm chí thiết bị này có thể bị biến thành vũ khí để đánh nhau.
Sau khi Singapore có quy định cấm sử dụng gậy tự sướng trong sân vận động, thì đến lượt hai đội bóng tại giải Ngoại hạng Anh là Tottenham và Arsenal đã cấm các cổ động viên của mình sử dụng gậy tự sướng khi xem bóng tại sân nhà vào hồi đầu năm nay.
Lý giải động thái này, tờ Dailymail của Anh cho biết, vì Tottenham và Arsenal đã nhận được những lời khiếu nại từ nhiều cổ động viên, khi cho rằng gậy tự sướng sẽ che khuất tầm nhìn của họ và có thể trở thành hung khí nếu xảy ra ẩu đả trong sân.
Mới đây nhất, Apple yêu cầu "bạn không được phép thu âm, thu hình tại sự kiện WWDC 2015 hay dùng các thiết bị ảnh, video chuyên nghiệp, thiết bị quay dạng đeo vào Moscone West hay Yerba Buena Gardens (là hai địa điểm tổ chức sự kiện). Ngoài ra, bạn cũng không được dùng gậy tự sướng hoặc dùng thuốc lá (kể cả thuốc lá điện tử) bên trong Moscone West hay Yerba Buena Gardens. Nếu vi phạm sẽ bị buộc rời khỏi WWDC".
Khi gậy hỗ trợ chụp ảnh biến tướng
Dùng gậy tự sướng chụp lén dưới váy phụ nữ gây bức xúc cộng đồng mạng
Nhiều lo ngại cho rằng gậy hỗ trợ chụp ảnh tự sướng có thể bị kẻ xấu lạm dụng để chụp những tấm ảnh phản cảm như chụp ảnh phụ nữ trong phòng tắm, phòng thay đồ, nhà vệ sinh hay chụp ảnh dưới váy phụ nữ rồi đưa lên Internet.
Đúng là lợi ích luôn song hành cùng bất cập, cái gì cũng có mặt trái của nó. Riêng đối với trường hợp gậy hỗ trợ chụp ảnh bị lạm dụng đến biến thái như ảnh chụp phía trên thì các chị em phải cẩn thận hơn trong các hoạt động nơi công cộng để tránh bị lợi dụng mà không hay biết. Tuy nhiên, những kẻ "biến thái" kiểu vậy chỉ là một bộ phận nhỏ, hầu hết người dùng đều sử dụng gậy tự sướng đúng mục đích và lợi ích mà nó đem lại.
Qua thống kê thực tế thì có thể sắp tới, việc gậy tự sướng bị cấm sử dụng đang ngày càng lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Không biết liệu chính sách này có bị áp dụng tại Việt Nam trong thời gian tới? Giả như nếu được thực hiện tại Việt Nam thì cảm nhận của bạn về điều này như thế nào?
Nguồn: TGDĐ
0 nhận xét :
Post a Comment